Nền đường Kim Lăng đều được lát bằng đá xanh, trông rất gọn gàng ngăn nắp. Các con phố lớn đều được quy hoạch chỉnh tề, hàng quán bên đường được dựng lên nề nếp và trật tự, rất náo nhiệt phồn vinh nhưng vẫn trong khuôn khổ.
Nếu chỉ đơn thuần so về độ phồn hoa, Kim Lăng (Nam Kinh) thật sự hơn hẳn kinh sư (Bắc Kinh).
Ngõ Ô Y nơi Dương Lăng đang ở là chỗ doanh trại Cấm Vệ Quân Thạch Thành của Tôn Quyền năm xưa đóng quân, bởi vì các binh sĩ này đều mặc y phục màu đen nên mới tạo nên tên ngõ. Từ khi danh tướng Tạ An và Vương Đạo thời Đông Tấn sống ở đây, rất đông quý tộc các đời sau đã dọn về ở nơi này, lầu cao đua nhau mọc lên san sát, vì vậy ngõ Ô Y nổi danh khắp thiên hạ.
Có điều bản thân con ngõ hẻm này không rộng lớn là bao, hơn nữa do những người cư ngụ ở đây đều là cao quan vọng tộc nên mặc dù không ai cấm nhưng dân thường vẫn tự giác lánh đi, do đó người qua kẻ lại trong con hẻm hẹp dài tĩnh mịch này càng thêm thưa thớt.
Dương Lăng và Hàn Vũ sánh vai ra khỏi con hẻm, đi dọc bờ sông Tần Hoài đến trước miếu Phu Tử. Dương Lăng vừa đi vừa kể lại chi tiết những chuyện đã xảy ra trong chuyến đi Giang Nam lần này.
Hàn Vũ nghe mà phấn khích không thôi, lúc nghe đến đoạn chống giặc Oa ở Hải Ninh hắn không khỏi nắm chặt nắm tay mà thở dài than tiếc:
- Tiếc quá! Nếu lúc đó mà huynh cũng có thể đứng trước thủy triều sông Tiền Đường thi triển thân thủ thì hay biết bao nhiêu.
Dương Lăng cười nói:
- Huynh làm quan ở cái nơi sung túc, trù phú như Kim Lăng này mà đã lên chức Bách hộ như vầy thì còn gì mà không tốt? Bây giờ đệ thân mang chức trọng, chẳng biết có bao kẻ nhiêu đang có ý đồ xấu với đệ. Điều chuyển các huynh đi để các huynh có thể yên thân gởi phận ở nơi khác, như vậy cho dù ngộ nhỡ có xảy ra chuyện gì thì đệ cũng yên tâm hơn.
Hàn Vũ chau mày bảo:
- Quan lộ hung hiểm, cái đó huynh biết chứ, tuy nhiên cùng lắm thì bãi quan cách chức, có mấy ai thật sự bị tịch biên diệt tộc đâu? Tuy rằng sống trong yên ổn vẫn lo nghĩ đến ngày gian nguy là tốt, nhưng đệ thường xuyên suy tính lo âu, lúc nào cũng nghĩ lỡ như thế này lỡ như thế nọ, em gái huynh trông thấy sẽ vui sao? Nếu đã như vậy, huynh thà thấy đệ làm quan viên không phẩm tước nhưng vẫn sống vui vẻ như lúc làm dịch thừa ở Kê Minh còn hơn.
Dương Lăng thở dài bùi ngùi: “Đúng rồi, lúc trước sống ở thành Kê Minh, dù chỉ ăn rau dầm tương, cơm canh đạm bạc nhưng nào phải lao tâm lo nghĩ nhiều chuyện như vầy? Lúc rỗi rãi thì châm trà, bế Ấu Nương lên đùi, tóc mai kề sát vành tai, tâm sự chút chuyện nhà chuyện cửa. Ngày đó thật là ấm áp và hạnh phúc, còn bây giờ thì sao?”
Dương Lăng dừng chân trước cầu Chu Tước, rầu rĩ nhìn dòng nước chảy dưới cầu. Bây giờ muốn rút chân từ bỏ sự nghiệp, điều đó còn có thể sao?
"Khi nghèo chỉ biết lo thân, giàu rồi lo cả thân nhân, mọi người." Câu này mình đã nghe từ lúc còn rất nhỏ, nhưng chưa bao giờ có cảm xúc sâu sắc như lúc này. Nếu như mình không hề có cơ hội rời khỏi Kê Minh, có lẽ mình sẽ an phận ở lại trong toà sơn thành đấy, cùng người con gái yêu thương của mình sống một cuộc sống tạm ổn cho riêng mình. Nhưng giờ đã bước lên vị trí này, có cơ hội để thay đổi lịch sử mà chẳng lẽ mình đành bỏ qua, lùi bước ư?!
Dương Lăng thở dài, ngại ngùng đáp:
- Đúng vậy! Từ khi vào kinh, thời gian đệ ở cạnh Ấu Nương càng lúc càng ít. Chỉ mong lần này về kinh rồi, đệ sẽ không phải bôn ba tứ xứ nữa.
Thấy y hơi sa sút tinh thần, Hàn Vu bèn vỗ vai y cười nói:
- Huynh chỉ muốn đệ nghĩ thoáng một chút thôi! Thật ra những việc mà đệ đã làm vừa qua thực không tệ à, những chuyện oanh liệt này mà lan truyền về kinh thì đệ nghĩ Ấu Nương nghe xong sẽ vui hay không? Cái gì mà “tiếc hối chồng đi kiếm tước hầu” (1), phụ nữ mà, là như vậy đó! Chứ nếu đệ cứ cả ngày bám rịt bên người nó, nó sẽ chê là người chồng của mình sao không có bản lĩnh, không xuất chúng hơn người. Đến lúc làm quan rồi, nó lại trách đệ bận rộn công vụ, lạnh nhạt với nó. Đệ có thể thăng tiến, Ấu Nương sẽ không cao hứng sao? Đệ thử nói trong lòng Ấu Nương, đệ của bây giờ và một ông tú tài cả đời ru rú trong Dương Gia bình, ai sẽ khiến nó tự hào hơn?
Dương Lăng cười lớn:
- Nhị ca cùng đừng chỉ nói người khác! Bây giờ nhị ca cũng đã ổn định rồi, bao giờ mới rước vợ về đây? Giang Nam người đẹp như mây, chẳng lẽ không có ai lọt vào mắt huynh à?
Hàn Vũ cười nói:
- Huynh vẫn còn hứng thú với việc xông pha chiến trường, kiến công lập nghiệp mà! Nữ nhân ấy... đâu có đáng yêu như bảo đao bảo kiếm đâu. Chuyện lấy vợ đợi khi nào huynh muốn có con rồi hẵng nói đi.
Hắn vừa nói vừa vỗ vỗ vào cây bội kiếm giắt bên hông, nói tiếp:
- Nói thật nha, đệ thử nghĩ cách gì điều huynh ra cửu biên (2) hoặc duyên hải đi, chỉ cần có đánh đấm là được. Ở đây riết xương cốt mục hết cả rồi.
Dương Lăng nghe vậy trong lòng chợt máy động, bèn đáp:
- Được, nếu như huynh đã có ý nguyện này, đệ sẽ thành toàn cho huynh. Có điều cũng không cần phải vội làm ngay, chuyện này đợi sau khi đệ về kinh rồi hãy nói tiếp.
Dương Lăng sực nhớ sau khi về kinh, nếu xin được phép Hoàng thượng giải trừ lệnh cấm biển và thông thương với nước khác rồi, ngay sau đó nhất định sẽ cần đến một lực lượng thủy quân cường đại. Hàn Vũ văn võ song toàn nên hẳn là học kỹ thuật chiến đấu trên biển cũng không khó. Điều hắn vào thủy quân đào tạo bài bản, nói không chừng tương lai hắn sẽ trở thành một danh tướng thủy quân.
Nhưng mà ăn nói với Hoàng thượng thì dễ, cái khó chính là làm sao để bá quan gật đầu đây. Những đại thần trong triều không có mấy kiến thức về biển cả vẫn coi nó là thứ có cũng được không có cũng chẳng sao; bọn họ khinh thường hải dương, coi rẻ thông thương, xem trọng mặt mũi thiên triều thượng quốc hơn bất cứ thứ gì khác. Với quan niệm và ý thức của những bá quan văn võ thời này, có mấy ai có thể lý giải và tiếp thu những lý luận mà đời sau ai ai cũng biết chứ?
Có rất nhiều việc để làm thì không khó, nhưng khó là khó ở chỗ không ai muốn bắt tay vào làm. Cho dù có người muốn làm, những kẻ bảo thủ cũng sẽ dùng mọi thủ đoạn ngăn cản không cho anh làm, thậm chí trong lòng họ còn cho rằng mình đang giữ gìn chính nghĩa, đang làm điều tốt vì nước vì dân. Vừa nghĩ đến tình huống mà mình phải đối mặt sau khi hồi kinh, Dương Lăng không khỏi có cảm giác vô lực.
Chung quanh y luôn có mấy nha sai vận thường phục lặng lẽ đi theo sau. Liễu Bưu cải trang làm văn sĩ đột nhiên hiện thân phía trước, ngầm ra dấu với y. Dương Lăng hiểu ý, gật nhẹ đầu với gã.
Hiện nay y đang trọ ở tư dinh của thái giám trấn thủ Kim Lăng Phùng Thừa Thực. Tuy Phùng Thừa Thực rất cung kính lễ phép với y, nhưng trên danh nghĩa Phùng công công là người trực thuộc ty Lễ Giám ở Kinh sư, cũng được xem như là thân tín của Vương Quỳnh, cho nên Dương Lăng không thể không uý kị lão ta.
Vốn lần này y đi đến Kim Lăng không có chuyện gì quan trọng, cũng không có gì phải giấu giếm lão ta, nhưng việc Nam trấn phủ ty Thiệu đại nhân của Cẩm Y Vệ ghé bước nghênh đón khiến hy vọng liên minh cùng Cẩm Y Vệ của y tăng thêm mấy phần.
Nếu Cẩm Y Vệ có ý định muốn tiếp xúc với y, tất cũng sẽ tránh mặt Phùng công công Cho nên y mượn cớ mới trùng phùng anh vợ đã xa cách lâu ngày nên tự mình đưa tiễn xa như vậy chính là để có cơ hội tiếp xúc với Cẩm Y Vệ.
Ví bằng Cẩm Y Vệ đích thực có lòng kết minh cùng y, nhất định sẽ phái người âm thầm chú ý đến hành tung và chủ động bắt liên lạc với y. Việc ra dấu của Liễu Bưu vừa rồi đã chứng thực phán đoán của y.
Sau khi tiễn Hàn Vũ qua cầu Chu Tước, Dương Lăng chắp tay cáo từ. Liễu Bưu đi đến bên cạnh báo:
- Đại nhân! Nam trấn phủ ty phái người đến gặp đại nhân. Ty chức đã kiểm tra yêu bài (thẻ bài giắt lưng) của hắn, nhân thân có thể tin được.
Dương Lăng gật đầu rất nhẹ, hỏi:
- Thiệu đại nhân đang ở đâu?
Liễu Bưu mỉm cười, trỏ cán cây quạt xếp vào một chiếc thuyền đỏ dưới cầu. Dương Lăng hiểu ý, nở nụ cười:
- Ai cũng nói là cảnh sắc Tần Hoài rất đẹp. Đi thôi, chúng ta cũng đi mở mang kiến thức một chút.
***
Trường Can Lý nằm chếch phía nam thành, là nơi quan dân sinh sống xen kẽ, đồng thời cũng là địa điểm cuối đất Kim Lăng để những thân sĩ danh tiếng đón tiếp và tiễn đưa tân khách. Vì vậy đầu hẻm có vài quán rượu lẫn khách sạn, bán buôn rất tốt.
Trong hẻm còn có một vài người bán rong dựng quầy dựng sạp bán đặc sản Kim Lăng. Thương gia xuôi nam ngược bắc đến Kim Lăng rất đông, trước khi rời đi cũng muốn mang về nhà ít đặc sản, cho nên đời sống tiểu thương nơi đây rất là sung túc.
Nói chung, đây là nơi rồng rắn lẫn lộn, thành viên tương đối phức tạp. Đi vào sâu trong con hẻm là một ngõ cụt nhỏ bé, có một ngôi nhà tường trắng ngói tro, cửa sân sơn son chói lọi, xem ra là một hộ gia đình khá giàu có.
Lão Trương mở sạp bán đá ngồi trước ngõ hẻm, có lẽ đã lâu không có mối nào đến nhà nên đang thả người dựa tường phơi nắng. Đột nhiên lão trông thấy có hai người con gái áo đỏ, dáng người thướt tha đi tới. Dáng vẻ xinh đẹp của hai người lập tức cuo16n hút ánh mắt của lão.
Đó là một phu nhân và một tỳ nữ. Vị phu nhân đi trước có dung nhan cực kỳ xinh đẹp, mái tóc đen huyền, da trắng hơn tuyết, toàn thân váy đỏ, khoác hờ một chiếc áo choàng đơm hình hoa mai, dáng người thướt tha lả lướt, bước chân nhẹ lướt như tiên.
Lão Trương không nhịn nổi đánh ực nuốt một ngụm nước bọt: "Chậc chậc, ngày nào cũng mở sạp ở con hẻm này nhưng không biết đây là tiểu nương tử nhà ai, thật giống như tiên nữ hạ phàm vậy. Nếu mà bà nhà mình bằng được một nửa nàng ta thì mình thật sự đã sướng hơn tiên rồi."
Ông lão tiểu thương không dám dán mắt nhìn lâu vào mặt phu nhân người ta nên luyến tiếc cụp mắt xuống, chăm chú nhìn vào đôi hài cong nhẹ nhàng di chuyển, làn váy tung bay, đôi gót chân sen khẽ khàng lướt qua trước mắt.
Nhân cơ hội này, ông chủ sạp lại ngước mắt liếc nhìn một cái thật nhanh. Nhận thấy nước da trên khuôn mặt ấy mịn màng sáng bóng, còn sáng hơn cả đá vũ hoa (1) đang nằm chờ bán trong hộp của lão đến mấy phần. Vẻ đẹp đó, nhất là vẻ phong tình ấy, quả là hiếm thấy trên đời. Có lẽ cũng chỉ có Mã cô nương của quán rượu Trường Đình mới có thể phân cao thấp với vị giai nhân tuyệt thế này...
Hai người con gái áo đỏ đi đến trước căn nhà gạch xanh ngói nhỏ nọ. Nơi này trông đã cũ kỹ, rêu mọc xanh mướt khắp những nơi âm u trên bức tuờng mã đầu (2).
Người tỳ nữ áo đỏ bước lên đập chiếc vòng khoá vào cổng kêu mấy tiếng thùng thùng, liền theo đó có một gia bộc hé cửa ghé đầu ra hỏi. Lão Trương ngóng từ phía xa, thấy gia đinh nọ đối đáp mấy câu rồi đón tiếp hai mỹ nhân vào nhà.
Sau khi báo danh tính của mình là Thành Khởi Vận xong, Tiểu Lâu bình thản đứng trước bức bình phong chờ gia nhân chạy vào bẩm báo. Khi nhìn từ bên ngoài vào, căn trạch viện gạch xanh ngói nhỏ tường thấp này dường như không lớn lắm, song khi đứng trong sân nhìn vào tiếp thì lại thấy đình viện sâu hun hút, phía sau hình như có đến mấy dãy sân thông lại với nhau thành một cái sân dài.
Tỳ nữ áo đỏ xinh đẹp là Sở Linh, nàng lo lắng nhìn quanh một lát rồi khẽ giọng:
- Tiểu thư! Nhìn trạch viện này dường như đã cũ lắm rồi, vị Bành lão thái gia này thật sự là Sa Ngư vương tung hoành bốn bể à?
Thành Khởi Vận tự tin đáp:
- Muốn chứng minh cũng dễ thôi! Chỉ cần lão nghe xong cái tên ta bịa ra mà chịu ra mặt gặp ta thì chắc chắn là không sai rồi.
Sở Linh khẽ rúm người lại, hơi khiếp sợ:
- Tiểu thư, chúng ta... có phải là đã hơi lỗ mãng rồi không? Nếu như... nếu như chúng ta mời Dương đại nhân phái người đến thì sẽ ổn thoả hơn. Đây đều là những giang hồ hảo hán lưu vong, chúng ta... Chúng ta lại không có chỗ dựa nào.
Thành Khởi Vận cười nhạt một tiếng, đáp:
- Dương Lăng có thể sẽ hồi kinh bất cứ lúc nào, chúng ta không còn thời gian để bày kế nữa. Em đừng lo lắng, không có chỗ dựa cũng là một lợi thế. Con cá mập (sa ngư là cá mập) này giờ đã có con có cháu, đã mang gánh nặng gia đình. Em cho rằng lão trú ở nơi này khá lâu rồi, đã khổ tâm phát triển kinh doanh lại sẽ đành lòng tùy tiện vứt bỏ mọi thứ mà lưu lạc tha hương lần nữa ư? Không nắm rõ lai lịch của chúng ta, lão sẽ không dám làm gì chúng ta đâu. Nhất định phải giành được sự giúp đỡ của ông vua hải tặc này thì biện pháp của ta mới có thể thực hiện suôn sẻ được. Tuy lão ấy chưa hẳn đã tin một phụ nữ như ta, song cáo mượn oai hùm mà, lão đã bị ta nắm thóp (ý nói biết lão già là Sa Ngư vương) thì sẽ phải ngồi xuống hòa đàm thôi. Dù ta chỉ là một con tiểu hồ ly thì một con cá mập mắc cạn như lão cũng phải ngoan ngoãn hợp tác với ta thôi.
Trông thấy tên gia đinh nọ lật đật chạy trở ra, mặt mày cung kính, Thành Vận Khởi thoáng nhíu chiếc mũi nhỏ xinh, nhoẻn miệng cười khẽ, quả nhiên giống như một con tiểu hồ ly.
Bành lão thái gia có một cái tên rất tầm thường, gọi là Bành Phú Quý. Nghe nói lão vốn là người Kim Lăng, lúc lão còn chưa ra đời thì lão đã cùng cha mình dọn đến Đại Lý. Thoáng cái đã qua bảy mươi năm, dựa vào kinh doanh trà ngựa mà lão đã phát tài to, thế là bèn dẫn đám con đàn cháu đống áo gấm về làng, mua căn trạch viện ở Trường Can Lý này.
Xa nhà lâu như vậy, đương nhiên lão không còn bạn bè hàng xóm gì nữa, cho nên Bành lão thái gia chỉ ru rú trong nhà làm lão phú ông, rất ít khi qua lại với xóm giềng.
Bành lão thái gia đang cầm chùm nho trêu đùa cháu trai ở hậu viện, nghe gia bộc báo có hai vị nữ khách đến nhà cầu kiến thì không khỏi nhíu mày, kinh ngạc hỏi:
- Ở đâu lại có kiểu nữ nhân đoan chính tùy tiện đến nhà người khác bái phỏng! Có phải là lão tứ lại trêu hoa ghẹo nguyệt gì ở bên ngoài để người ta tìm tới cửa không?
Gia bộc đáp:
- Vị phu nhân đó nói… cô ta nhận sự nhờ vả của họ hàng xa của lão thái gia, có bức thư tay muốn tự thân trao cho lão thái gia ạ!
- Ủa?
Bành Phú Quý bỏ chùm nho vào khay, đưa đứa cháu cho gia nhân ở bên cạnh trông nom, ánh mắt loé lên vẻ lạnh lùng hỏi lại:
- Họ hàng xa, họ hàng xa nào?
Bành lão thái gia râu trắng tóc bạc, tuổi chừng bảy mươi, khuôn mặt đỏ bầm, nhưng vóc người vẫn còn tráng kiện, chân tay to chắc, động tác lúc đứng lên vẫn còn rất linh hoạt, vóc người cao lớn có khí thế uy mãnh vô cùng.
Tuy gã gia bộc này vẫn thường xuyên gặp Bành lão thái gia nhưng vẫn không khỏi mất tự chủ phải lui về sau một bước, bối rối đáp:
- Vị phu nhân đó nói người đó là cháu họ xa của ngài, tên là Bành Sa Vương.
Khuôn mặt đỏ bầm của Bành lão thái gia thoáng giật giật, đột nhiên hiện ra vẻ mừng rỡ xen lẫn ngạc nhiên như sực tỉnh ra, bảo:
- A!... À, thì ra là nó, đã lâu rồi không có tin tức gì, không ngờ đứa cháu trai này lại dò la được nơi ở của ta. Mau mời vào, mời vị khách quý đó vào thư phòng cho ta.
Bành lão thái gia không phải là kẻ đọc sách nên trên giá sách chỉ bày mười mấy gốc san hô trân quý mỹ lệ. Người con gái áo đỏ cực kỳ xinh đẹp nọ nhẹ nhàng bước vào trong phòng, làn thu ba tập trung lên người Bành lão thái gia, nhìn kỹ một chốc rồi mới nhoẻn miệng cười duyên dáng, đoạn chỉnh sửa trang phục rồi làm lễ:
- Tiện thiếp Thành Khởi Vận, ra mắt Bành lão thái gia.
Bành lão thái gia kinh ngạc quan sát nàng. Mặc dù đã nghe nói là một nữ nhân, nhưng lão lại không ngờ lại là một vị mỹ nữ yểu điệu như vậy. Đồng đạo ngày nay có nữ nhân trẻ tuổi phù hợp với dáng vẻ này sao?
Lão phất tay ra hiệu cho gã gia bộc lui ra rồi tự đi tới đóng chặt cửa. Lúc lão xoay người lại, ánh mắt bỗng trở nên dữ tợn dị thường, lạnh lùng nhìn chằm chằm vào vị khách không mời mà đến này.
Thành Khởi Vận vẫn giữ sắc mặt bình tĩnh, khoé miệng mang một nụ cười nhàn nhạt, đôi mắt không hề tỏ chút khiếp sợ dưới cái nhìn chăm chăm lạnh lẽo của vị vua hải tặc tay đầy máu tanh này, nàng còn chớp mắt làm duyên với lão.
Bành lão thái gia quan sát nàng kỹ càng một lượt rồi đột nhiên cười to. Lão trở về bên bàn ngồi xuống, nói:
- Mời cô nương ngồi. Nếu cô nương đã dò la được nội tình của ta, chúng ta cũng không cần phải giấu giếm gì nữa. Mọi người đều là giang hồ đồng đạo, lý ra nên giúp đỡ trông chừng lẫn nhau. Phải chăng cô nương đang thiếu tiền lộ phí? Nếu chỉ dăm ba trăm lượng bạc thì lão đây còn gom góp được, nhưng nếu là món tiền lớn thì, ha ha, cô nương, cô nghĩ rằng cô đã tìm được chứng cứ chứng minh ta là Sa Ngư Vương ư?
Thành Khởi Vận mỉm cười lắc đầu, đáp:
- Lão gia tử! Ông thấy ta có giống người đến nhà mượn danh để kiếm tiền không? Hôm nay ta đến đây nhưng không cần tiền của ông, ngược lại, ta đến là để đưa tiền cho ông. Chỉ cần ông giúp ta một việc, có lẽ... tương lai không lâu sau, lão gia tử ông sẽ có thể trở thành kẻ phú hộ giàu nhất Kim Lăng. Không biết món quà ra mắt này có đủ lớn hay không?
Bành lão thái gia nghe xong thì ngạc nhiên nhìn nàng một hồi lâu, rồi mới cười nhạt nói:
- Rốt cuộc cô là đồng đạo nơi nào? Lão phu tuổi tác đã cao, chỉ mong có được cuộc sống an nhàn. Mua bán càng lớn, cái giá phải trả càng cao. Cô muốn làm cuộc mua bán lớn gì, lão già đây không muốn nghe. Cô có lai lịch gì, lão già đây cũng không quan tâm, cô hãy về đi.
Thành Khởi Vận thu lại nụ cười trên mặt, điềm nhiên:
- Lão gia tử quá cẩn thận rồi. Ông yên tâm, việc này không hề có bất kỳ nguy hiểm gì. Tiện thiếp lần này đến thật sự là rất thành ý, ông chưa nghe nói rõ mục đích mà đã muốn đuổi khách đi sao? Ha ha, nếu không phải gần đây tiện thiếp muốn lên phương bắc, kỳ thực sẽ không vội vã đến gặp ông như vầy đâu...
"Lên phương bắc?" Bành lão thái gia giật mình, lão liếc nhìn trang phục của Thành Khởi Vận, váy áo đỏ rực, bên ngoài khoác áo tơi trắng tinh, đường cong lung linh trên thân người bốc lửa, bầu ngực cao vút cùng tấm lưng ong cực kỳ mê người, khuôn mặt kiều mị mỉm cười ấy, tuổi tác xem chừng tối thiểu cũng phải hai mươi. Lão chợt nhớ đến một người bèn đứng bật dậy, nghiêm mặt hỏi:
- Phải chăng cô nương do họ Dương phái đến?
Vừa đang định nói rõ mục đích lần ghé thăm này, Thành Khởi Vận nghe xong câu hỏi nhất thời không kịp phản ứng, nàng cũng chợt giật nảy mình, ngạc nhiên hỏi:
- Ông nói cái gì? Sao ông biết ta đến cùng với y?
Bành lão thái gia nghe vậy bèn ngửa mặt lên trời cười to. Lão vung bàn tay to như của Cự Linh Thần (5) vỗ mạnh lên bàn một cái bộp, mặt bàn vừa lật nghiêng, một cặp hổ trảo sắc bén ở bên dưới đã được rút ra. Lão lạnh lùng cười hắc hắc:
- Nương tử nhà họ Dương kia! Lão đây lăn lộn trên biển bất quá chỉ vì kiếm miếng cơm manh áo, cùng đám anh hùng lục lâm muốn lật đổ triều chính, khởi binh tạo phản các người như nước sông không phạm nước giếng! Lão phu nói lại một câu cuối cùng: ngươi đi con đường Dương Quan (6) của ngươi, ta qua cây cầu độc mộc của ta, chúng ta coi như hôm nay chưa từng gặp mặt. Bằng không, chúng ta hãy cùng phân cao thấp để Sa Ngư Vương ta lĩnh giáo công phu thật sự của Dương Khoá Hổ Hồng nương tử ngươi!
Thành Khởi Vận nghe xong nhất thời ngẩn người tại chỗ. Nàng vốn đã cân nhắc lời thuyết phục rất kỹ lưỡng, cho rằng Bành lão thái gia có điều kiêng dè nên quyết sẽ không dám động thủ đả thương nàng, còn điều kiện hậu đãi của nàng cũng nhất định sẽ có thể thuyết phục được lão thủ lĩnh hải tặc này.
Nhưng giờ trông thấy bộ dạng giương cung bạt kiếm sắp sửa động thủ của lão, nàng không khỏi ngạc nhiên hỏi lại:
- Nương tử nhà họ Dương nào? Rốt cuộc ông tưởng ta là ai?
***
Lư biên nhân tự nguyệt, hạo oản ngưng song tuyết, liễu diệp mi gian phát, đào hoa kiểm thượng sanh. (Người ở bên lò sáng tựa trăng, tay trắng như lê dáng chị Hằng, mày liễu đong đưa bao say đắm, mặt hoa ngàn vẻ lặng hồn anh).
Có ai không biết đệ nhất mỹ nữ của Trường Can Lý là Mã Liên Nhi của quán rượu Trường Đình chứ?
Quán rượu Trường Đình nằm sát rìa ngoài cùng của ngõ hẻm Trường Can Lý. Cách cửa quán không xa về phía trước là Trường Đình, chốn cỏ mọc xanh rì như nệm, là nơi đưa tiễn tân khách của Kim Lăng. Địa điểm tốt cho nên việc buôn bán của quán rất thịnh vượng.
Từ mấy tháng trước, sau khi cháu gái của ông chủ họ Mã từ phương Bắc quay về quê nhà thường xuyên đến quán phụ giúp, việc buôn bán của nhà họ Mã cũng càng lúc càng phất lên.
Không phải có câu “ngắm người đẹp, không ăn uống vẫn no” (7) hay sao! Mỹ nhân mặt xoan má đào, dáng người nhỏ nhắn như trăng, dù chỉ mặc áo vải váy thô vẫn trông xinh đẹp mê người, muôn phần dịu dàng tha thướt, khiến người ta nhìn mà thoả lòng vui mắt. Dùng sắc để nhắm rượu, rượu càng thêm nồng! Làm sao mà khách nhân không đổ xô vào quán như bầy ong?
Người Kim Lăng rất thích ăn thịt vịt. Vịt Quế Hoa* da trắng thịt mềm, béo mà không ngấy, hầu như quán rượu nào cũng đều có món vịt Quế Hoa ướp bằng hương vị độc đáo riêng của mình, xắt thành từng lát mỏng, ăn đến ngọt miệng thơm môi.
Lúc này, Mã Liên Nhi đang vận một bộ đồ xanh nhạt, bên chiếc eo thon mềm mại buộc tấm tạp dề xanh lam, cánh tay trắng muốt nõn nà cầm một con dao nhỏ sáng bóng như tuyết đang đứng trước quầy xắt từng lát thịt vịt một cách thành thạo rồi nhanh nhẹn cho vào trong chiếc dĩa trang trí hình những đóa hoa bằng men màu lam.
Đôi mắt xinh đẹp của nàng dán mắt vào con vịt muối (diêm thủy áp) đang biến nhỏ dần. Con dao nhỏ vung lên thoăn thoắt, như thể con vịt là gã thư sinh tiêu sái anh tuấn, quần áo trắng tươm đang đứng trước mặt.
- Liên Nhi, đã lâu không gặp.
Gã đàn ông đằng hắng, ngượng ngập mở lời.
- Xin lỗi, ta họ Mã! Làm ơn hãy gọi ta là Mã cô nương.
- Ờ.. ừm... Mã cô nương, chúng ta... đã lâu không gặp rồi nhỉ?
- Lâu lắm rồi sao? Sao ta chẳng cảm thấy vậy?
- Đương nhiên là lâu, đương nhiên là lâu. Tôi... tôi... tôi một ngày không gặp cô như cách ba thu đó.
Một tiếng cười "phì" phát ra như hoa đào hé nụ, khiến gã công tử đứng trước mặt lòng như dậy sóng, không kiềm lòng được mà định chạm vào tay nàng. Song cặp mắt thanh tú như mảnh trăng khuyết nọ chỉ khẽ liếc gã một cái, tay gã lập tức liền rụt lại, ngượng ngập nói:
- Liên Nhi, tôi... tôi...
"Cộp"! Con dao nhỏ bén ngọt chém xoạt xuống cái bàn gỗ một nhát, rung lên bần bật, khiến cho gã công tử giật nảy cả mình, không tự chủ được phải thối lui mấy bước. Mã Liên Nhi đanh mặt lại, giọng lạnh nhạt:
- Quan công tử! Ta đã nói rồi, đừng gọi ta là Liên Nhi. Ai còn dám gọi ta là Liên Nhi, ta sẽ cho kẻ đó được đẹp mặt đó!
Mã Liên Nhi vừa dứt lời, ngoài cửa chợt có người mặc trường bào màu cánh sen, chân mang giày đen đế mềm, khoan thai bước vào cất tiếng nhỏ nhẹ gọi:
- Liên Nhi, đã lâu không gặp!
Chú thích:
(1) Nguyên văn “hối giáo phu tế mịch phong hầu”, trích trong bài thơ Khuê Oán của Vương Xương Linh.
Mời xem lại chú thích chương 45.
Ôn Như Hầu Đặng Trần Côn lấy nguyên hai câu đầu để tạo thành khổ thơ:
Hồi thủ trường đê dương liễu sắc
Hối giáo phu tế mịch phong hầu
Bất thức ly gia thiên lý ngoại
Quân tâm hữu tự thiếp tâm phầu.
Được nữ sĩ Đoàn thị Điểm dịch:
Lúc ngoảnh mặt ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Chẳng hay muôn dặm ruổi rong
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng? (Chinh Phụ Ngâm)
(2) Cửu biên: Xin nhắc lại đó là tên gọi chín điểm quân sự cần trấn giữ ở vùng biên tái bắc bộ thời Minh.
Sau khi nhà Minh được thành lập, quân Nguyên lẩn trốn ở biên tái phía bắc vẫn không ngừng quấy nhiễu, uy hiếp nghiêm trọng đến sự thống trị của nhà Minh. Để củng cố biên phòng khu vực bắc bộ, Minh thái tổ Chu Nguyên Chương nhiều lần phái tướng bắc chinh, đồng thời phân đất phong hầu cho các con là Chu Lệ, Chu Quyền đem trọng binh trú thủ biên tái bắc bộ. Minh thành tổ Chu Lệ vừa xuất quân ra sa mạc phía bắc, vừa bố trí trấn giữ vùng biên duyên, phái binh trấn thủ. Ban đầu thiết lập bốn cứ điểm trấn giữ ở Liêu Đông, Tuyên Phủ, Đại Đồng, Diên Tuy, kế tiếp lập trấn ở Ninh Hạ, Cam Túc, Kế Châu, rồi lại lập hai trấn ở Sơn Tây, Cố Nguyên, ấy là cửu biên.
(3) một loại đá tròn nhỏ, sáng bóng, có vân và màu sắc sắc sỡ, có nhiều ở Nam Kinh
(4) nguyên văn "mã đầu tường" hay còn gọi là "tường phòng lửa", "tường chắn lửa", được thiết kế nhằm ngăn lửa lan từ mái nhà này sang mái nhà khác. Do lối thiết kế có hình đầu ngựa nên gọi là "mã đầu tường"
Xem hình http://hi.baidu.com/kikasa617/album/...6a5c272ce.html
(5) Cự Linh Thần: tên một vị thần trên thiên đình, chiến tướng dưới trướng Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, có thân hình cực kỳ cao lớn.
(6) nghĩa bóng chỉ tiền đồ thênh thang xán lạn.
(7) nguyên văn "tú sắc khả xan", nghĩa là vẻ đẹp có thể khiến người ta thưởng thức đến no nê.
Updated 718 Episodes