Trận mưa tên của vệ quân không những hoàn toàn không hề có lực sát thương chút xíu nào mà ngược lại còn kích thích hung tính của giặc Oa[1] bộc phát. Hơn hai chục tên giặc Oa hò hét xông vào đám quan binh vệ sở[2]. Cầm đầu là một tên giặc Oa có thân hình khá thấp nhưng sức bật nhảy lại vô cùng kinh người, trên bãi sông cát lún mà gã vẫn nhảy nhót như bay.
Gã cầm trên tay một thanh Oa Đao[3] dài, đơn thương độc mã xông vào giữa đám quan binh kia, hống to một tiếng rồi bỗng nhảy bật lên, ánh đao như nước chảy bổ thẳng xuống. Đối mặt gã là một tên quan binh cầm thương, nhưng tên này không giơ thương lên để đâm, cũng không hoành thương để đỡ, mắt vừa thấy tên người Oa[4] đang xông đến này vô cùng hung hãn, hắn đã hét to một tiếng rồi vứt thương quay người tháo chạy.
Nhát đao của tên giặc Oa kia chém thẳng xuống từ vai đến lưng, bổ chéo tên binh sĩ muốn tháo chạy kia thành hai mảnh. Tiếp đó gã lại giống như một con ếch, vừa nhảy vừa tung người tả xung hữu đột giữa đội ngũ vệ quân, vung đao nhá trên phạt dưới, nhất thời chém giết làm trận tuyến của đám quan binh nhát gan kia rối loạn cả lên.
Lúc này đám giặc Oa cầm các loại vũ khí xếp thành một hàng dài rồng rắn từ phía sau cũng xông đến. Chủng Thiên tổng đứng ở phía sau vung đao quát lớn:
- Xông lên!
Thế nhưng khí thế đám quan binh đã bị đoạt mất. Bọn chúng hoàn toàn không còn ý chí chiến đấu, vừa thấy có người bị giết chết thì nhất tề hét to, đồng loạt quay người bỏ chạy về trấn, cuốn Chủng Thiên Tổng và mấy tên thân binh lùi về phía sau một khoảng.
Đám diêm binh ở phía kia chẳng qua chỉ ba trăm người, nhưng cũng chiến đấu ngang sức ngang tài với đám giặc Oa có cùng quân số. Còn năm trăm quân chính quy ở bên này chỉ phải đụng độ với hai mươi tên giặc nhưng chỉ vừa mới giao chiến với địch một hiệp, chỉ bị giết một tên lính thì cả bọn đã tháo chạy! Trong lòng Dương Lăng – người hoàn toàn không hiểu gì về quân đội Giang Nam - chỉ cảm thấy phẫn nộ, kinh ngạc đến cực điểm: “Sao có thể như vậy? Năm trăm người chiến đấu với hai mươi người thôi, dù đè cũng đè bọn chúng đến chết, mà chỉ giao phong một hiệp thì toàn quân đã tan tác tháo lui?”
Huyệt Thái Dương của Dương Lăng giật thình thịch, gân xanh trên trán cũng nổi lên, lúc này lòng hận thù với giặc Oa cũng không bằng sự phẫn nộ vì người của mình chẳng có chí khí. Dương Lăng quay người định xông xuống đình, Mạc Thanh Hà nhanh tay kéo y lại, vội vàng cản:
- Đại nhân! Quân tâm của vệ quân Giang Nam luôn rời rạc mà người Oa lại hung ác tàn bạo, cho nên mỗi khi gặp địch, thường thường vừa nhìn thấy địch thì họ đã sợ, không chiến đấu mà chỉ tháo chạy. Bây giờ vệ quân đã tháo lui, hoàn toàn không kịp chỉnh đốn đội ngũ, đại nhân tuyệt đối không được xông lên phía trước, nếu như ngài có mệnh hệ gì thì chúng tôi thật sự đi đời.
Dương Lăng nghe vậy thì đầu óc tỉnh táo trở lại, nhớ tới những lời mình giảng giải với chúng tướng khi mình dẫn quân luyện tập trong núi. Bây giờ bản thân mình đã làm chủ soái, thủ ở đây chỉ huy còn có tác dụng hơn hẳn việc làm một tên sĩ tốt xung phong đi đầu giết địch. Hơn nữa nếu như quả thật bản thân mình bị giết chết thì chí ít thân binh mà mình dắt đến cũng sẽ không còn tiếp tục tử thủ không lùi nữa.
Nghĩ đến đây Dương Lăng dừng bước lại, lao lên phía trước đình quát đám sai nha đang lắp tên vào cung sẵn sàng đợi địch ở phía dưới:
- Tất cả các ngươi lên đây cho ta!
Ở phía kia, hơn hai chục tên giặc Oa đang đuổi theo năm trăm tên vệ binh giống như thủy triều lên. Nhìn thân thủ của bọn chúng thì cũng chỉ có tên giặc Oa đánh tiên phong lúc nãy là võ nghệ cao cường, còn bọn ở phía sau đều bình thường, nhưng đám vệ quân sợ vỡ mật đều có ý nghĩ để người khác chịu chết còn mình thì tháo chạy. Rõ ràng là bọn lính chỉ cần lấy hết dũng khí quay lại chiến đấu thì đủ để lấy ưu thế số đông tiêu diệt đám giặc Oa này, nhưng bọn họ chỉ biết ôm đầu tháo chạy.
Làm cho Dương Lăng hơi ngạc nhiên là Chủng Thiên tổng thoạt nhìn có vẻ nho nhã kia lại không thoái lui. Gần hai chục tên thân quân do gã thống lĩnh bị quan binh quân mình xông vào làm rối loạn đội hình nên bất ngờ không kịp đề phòng bị bọn giặc Oa đuổi đến chém chết vài người. Nhưng tiếp đó gã lại vung đao dẫn quân xông lên.
Dương Lăng thấy vậy thần sắc không khỏi lộ ra vẻ vui mừng: Còn may, tuy rằng đám binh lính này không có chí khí, vị Chủng Thiên tổng kia cũng không biết chỉ huy tác chiến, nhưng ít ra còn biết tận trung làm tròn chức trách.
Do Dương Lăng được cử thẳng một lèo lên chức Tham tướng, hoàn toàn không phải từ cơ sở thăng tiến dần dần mà lên, nên y làm sao biết được vị Thiên tổng đáng thương này quyết chiến không lùi, nguyên nhân thực sự không phải là muốn làm tròn trách nhiệm gì, mà là bởi vì Dương Lăng – quan khâm sai - còn tọa trấn ở đây.
Quan binh của vệ sở vốn có trách nhiệm giữ đất, nếu như lâm trận tháo chạy thì còn có thể nói dối bên trên rằng thế địch quá mạnh, không thể không lùi. Nhưng hôm nay lại có một vị khâm sai đến đây, hơn nữa vị khâm sai này lại thủ ở phía trước không đi; nếu như Chủng thiên tổng bỏ quan khâm sai lại mà tháo chạy thì chắc chắn gã phải bị chém đầu cách chức.
Lùi cũng chết, không lùi cũng chết (trong lòng Chủng Thiên tổng vốn không cho rằng mình là đối thủ của đám giặc Oa hung tàn này), nhưng ít ra không lùi thì còn được tiếng tốt, người nhà cũng không bị liên lụy. Bởi vì vậy nên thần sắc Chủng thiên Tổng rất bi phẫn, gã vừa chửi thầm tám đời tổ tông của Dương Lăng trong bụng, vừa vung đao liều mạng với đám quỷ tử[6].
Còn nguyên nhân mà thân binh của gã cũng không lùi thì lại cũng giống như của gã. Theo luật pháp Đại Minh, nếu như tướng lĩnh chiến đấu hy sinh mà thân binh không việc gì thì tên thân binh đó cũng bị chặt đầu. Cho nên hai chục tên thân binh này cũng vừa chửi thầm tám đời tổ tông của Chủng thiên tổng vừa liều chết kháng cự.
Lúc nãy năm trăm quân bị hai chục tên giặc Oa lao vào đánh cho tan tác phải tháo chạy thục mạng, còn bây giờ hai chục chiến đấu với hai chục, trong lúc nóng lòng liều mạng, bọn họ lại có thể địch được với đám giặc Oa kia.
Dương Lăng thấy vậy trong lòng cũng hơi yên tâm, đợi hai chục tên sai nha lên trên đình, Dương Lăng chỉ về phia trước, hạ lệnh:
- Muốn bắt giặc, trước hết phải bắt tướng! Các người đừng có hoảng, nhìn thật kỹ cho ta, chọn đám người Oa cầm cờ, cầm quạt mà bắn cho ta.
Dương Lăng đứng ở trên cao, chỉ trong chốc lát y đã phát hiện đám giặc Oa lập thành từng nhóm ba hay năm người xông vào đội ngũ của đám Diêm binh chém giết, thoạt nhìn có vẻ hỗn loạn không ra chương pháp nhưng thực ra đằng trước luôn có một người cầm cờ có hình dáng kỳ quặc hoặc một người một tay cầm đao một tay cầm quạt. Chỉ cần bọn chúng vung cờ hoặc quạt lên, đám tiểu đội người Oa đều nhất tề hét lớn, thanh thế kinh người đồng thời múa tít vũ khí tấn công, đến lúc hơi mệt thì cùng chuyển sang đánh cầm chừng, vờn quanh thủ thế đợi hồi phục sức lực.
Đám sai nha nghe lệnh tiến lên phía trước đình, chuyên chọn những người có vẻ là thủ lĩnh của người Oa để hạ thủ. Ám tiễn của bọn chúng vừa chuẩn vừa độc, đám tiểu đầu lĩnh của giặc đang lớn tiếng hò hét vừa giết người vừa chỉ huy, thường thường không kịp đề phòng thì đã bị một mũi tên bắn trúng. Vốn tin pháp thuật, lúc nãy Trương Thiên Sư thấy cảnh đám người Oa bị trúng tên nhưng không hề bị thương tích gì thì kinh sợ vô kể. Bây giờ lại thấy đám người Oa cũng chỉ là người trần mắt thịt, cũng có thể bị giết chết như người thường, Thiên sư mới thở phào.
Lúc nãy Dương Lăng cũng giật mình sợ hãi, nhưng trong lòng y hoàn toàn không tin đám người Oa này biết thuật đao thương bất nhập gì. Nếu như bọn chúng thật sự biết loại công phu này thì hà tất còn phải mưu sinh trên biển nữa? Bọn chúng sớm đã có thể đánh thốc một mạch chiếm cả thiên hạ rồi.
Lúc này thấy đám thân quân của mình quả nhiên từng phát tên đoạt mạng bọn chúng, Dương Lăng càng tin vào phán đoán của mình. Chỉ là tại sao những phát tên của quan binh vệ sở lại không giết được bọn chúng thì y vẫn không thể hiểu được, thế nhưng lúc này cũng chưa có thể điều nghiên gì được.
Đầu lĩnh của đám giặc Oa này là một võ sĩ Nhật Bản sa sút tên Phì Tiền Thọ và một tên cướp biển Trung Quốc tên Trần Đông.
Đám giặc Oa này mỗi khi đến dịp xuân thu lại hóa thân thành hải tặc đến duyên hải cướp bóc, các mùa khác thì mua hàng từ những thương nhân phạm pháp Đại Minh vận chuyển về các vùng như Nhật Bản, Lã Tống[7]để kiếm chác những món lời lớn.
Gần một năm nay, chiến tranh tại đất Nhật Bản ngày càng kịch liệt, những lãnh chúa cần gấp một lượng hàng hóa và tiền bạc lớn để ổn định địa bàn của mình. Nhưng kể từ khi tướng quân Mặc Phủ Túc Lợi không còn xưng thần với Đại Minh, Đại Minh đã không còn khám hợp giao dịch[8] với Nhật Bản nữa. Các lãnh chúa, tướng quân bèn chỉ thị tay chân tham gia buôn lậu và làm hải tặc, cho nên bọn hải tặc thật sự đã bị giành mất mối làm ăn, khiến cho việc sinh nhai của bọn chúng ngày càng sa sút. Do vậy hai cánh hải tặc này bèn sát nhập với nhau để tăng cường lực lượng.
Kỹ thuật chế tạo thuyền chiến của bọn chúng vô cùng lạc hậu. Những chiếc thuyền đó đều dùng gỗ lớn đẽo thành hình vuông, khi đóng lại với nhau thì không dùng đinh sắt mà dùng các miếng sắt, không dùng các sợi đay và dầu trẩu để vá mà dùng rơm cỏ để chặn các khe hở, hoàn toàn không thể chống cự được thuyền lớn của quân Minh. Đặc biệt là chỉ cần thuyền Phúc[9] hay thuyền Quảng[10] tông nhẹ vào thì thuyền bè của bọn chúng sẽ vỡ tan như xác pháo. Không có ưu thế ở trên biển, bọn chúng chỉ biết lợi dụng đường duyên hải rộng lớn của Đại Minh để đi lại khắp nơi, lên bờ cướp giật.
Đây là chuyến ăn hàng lớn đầu tiên sau khi hai cánh đạo khấu này sát nhập. Vốn chúng nghĩ rằng lợi dụng thủy triều tấn công bất ngờ thì có thể cướp sạch Hải Ninh, không ngờ thuyền vừa mới cập bờ thì phát hiện quân Minh đã sẵn sàng chờ địch. Phì Tiền Hải và Trần Đông cũng thầm thất kinh, cho rằng âm mưu của mình đã bị lộ nên dừng thuyền chiến của hai người lại ở phía sau cùng, trước sau không dám dốc toàn bộ quân binh vào trận chiến để đề phòng bị trúng mai phục của quân Minh.
Hai người đứng trên đầu thuyền quan chiến, nhận thấy quân số của quân Minh trên bờ không nhiều, cách ăn mặc cũng không phải là quân đội chính quy, trong đám binh lính ăn mặc giống như Diêm binh còn có một người múa may một thanh đao lớn. Đại đao trên tay gã giống như cối xay gió, chỉ cần bị gã áp sát vào thì lập tức đao qua người chết, giống như hổ giữa bầy dê, tới đâu quét sạch giặc tới đó.
Phía trước Quan Triều Lầu có một nhóm quân binh áo xanh mũ nhỏ, toàn bộ dùng phác đao (đao thân dài hẹp bản, chuôi hơi dài, sử dụng bằng hai tay). Đám binh lính này tuy ít người nhưng ai ai cũng kiêu dũng thiện chiến, hơn nữa cả đội ngũ xếp thành một hình tam giác nhọn, giống như một mũi tên cắm thẳng về phía trước. Phương thức chia thành từng nhóm năm ba người quấy nhiễu, phá hoại đội hình địch mà bọn giặc Oa thường dùng hoàn toàn không còn tác dụng khi đối kháng với đội quân này. Thỉnh thoảng binh lính ở phía bên trong tam giác lại thò ra một khẩu hỏa khí nòng ngắn để giết địch, loại hỏa khí này không phải là thứ hỏa khí mà binh lính vệ sở duyên hải được trang bị.
Binh khí chủ yếu của giặc Oa là đao và cung, thỉnh thoảng cũng có vài hỏa khí tầm thường thô sơ. Nhưng đám hải tặc này tương đối nghèo khó. Trên biển ẩm ướt, bảo dưỡng cung tên không dễ, hơn nữa độ chính xác và lực sát thương của các mũi tên thô sơ cũng không cao, mà gỗ và đầu mũi tên của loại tên thượng hạng cũng tương đối đắt đỏ, cho nên bọn này cũng không được trang bị nhiều cung tên. Nhưng trường đao của bọn chúng lại vô cùng lợi hại. Trường đao Nhật Bản mà bọn giặc Oa sử dụng dài khoảng một mét bốn, gần như là dài gần bằng chiều cao của bọn người lùn. Chiều dài và trọng lượng của loại đao này gần như gấp đôi bội đao mà quân Minh thường dùng, hơn nữa còn có thể dùng hai tay để sử dụng. Đơn đao của quân Minh chỉ có thể dùng một tay sử dụng, nên sức mạnh, tốc độ và độ dài đều thua xa hẳn. Hơn nữa đao Nhật bản được chế tạo bằng kỹ thuật bọc thép của Đường đao[11], còn quân Minh thì do giá của đao bọc thép đắt đỏ, ngoại trừ sĩ quan ra thì đao được trang bị cho binh lính chỉ có phần lưỡi được bọc thép mà thôi. Khi thực lực của hai bên ngang bằng thì dù chưa đánh cũng có thể biết được ngay ai thắng ai thua.
Tuy nhiên, hôm nay bọn chúng không may gặp phải thân binh của Dương Lăng đều sử dụng phác đao chuôi dài, bọc thép toàn bộ. Phác đao dài một mét ba, hầu như không ngắn hơn đao của bọn chúng, hơn nữa người dùng đao đều là quân lính tinh nhuệ của kinh thành trải qua huấn luyện của cao thủ dùng đao từ Thiếu Lâm Tự và Cẩm Y vệ.
Đám sai nha này hoàn toàn không thèm để ý đến sự khiêu khích dụ dỗ của bọn giặc Oa, nhiệm vụ của bọn chúng là bảo vệ Dương Lăng cho nên tuyệt đối không thể phân khai. Trận hình do tám mươi người xếp thành giống như một mũi tên nhọn, tám mươi thanh đao lúc lên lúc xuống, đao trận di chuyển không ngừng, xông xáo dọc ngang giống như một chiếc máy xay thịt trên bãi cát trước Quan Triều đình, chỉ cần lại gần là bị loạn đao chém chết. Có tên giặc Oa cầm trường đao định lấy dài để chống ngắn, nhưng còn chưa kịp lại gần, một tên sai nha ở phía trong đội hình đã rút súng ngắn bắn cho hắn “nở hoa khắp mặt”. Đám sai nha này mỗi khi di chuyển một vòng thì phía trong lại biến thành phía ngoài, vòng ngoài lại biến thành vòng trong. Sai nha ở phía trong thu đao đổi súng, vừa hồi phục thể lực vừa nhồi đạn dược sử dụng hỏa khí. Chính vì vậy bọn giặc Oa vốn chỉ được trang bị rất ít cung tên lập tức bị biến thành giống như quân Minh vệ sở mà trước đây bọn chúng từng đồ sát, hoàn toàn ở hẳn vào thế chịu đòn. Cho dù bọn hải tặc vốn dũng mãnh không sợ chết nhưng cũng không khỏi nảy ý định thoái lui.
Lúc này hai chục tên Thần xạ thủ bên cạnh Dương Lăng cũng phát huy hết mức tác dụng của những tay bắn tỉa. Bọn chúng vững vàng đứng ở nóc đình chỉ chú ý quan sát những tên giống như thủ lĩnh của giặc Oa, ngắm thật kỹ rồi mới bắn một phát tên. Bị mất thủ lĩnh, không chỉ chiến pháp của bọn giặc Oa hỗn loạn mà sự trấn áp về mặt tâm lý còn hơn hẳn sự sợ hãi với cái chết. Không đợi đại thủ lĩnh hạ lệnh, bọn chúng đã dần dần bắt đầu dồn dập thoái lui.
Tính đa nghi của người Oa vốn nặng, không chỉ Phì Tiền Thọ nghi thần nghi quỷ, mà đến hải tặc sinh trưởng tại Trung Quốc như Trần Đông cũng thầm sinh nghi, không rõ đám quan binh này có lai lịch như thế nào?
Phì Tiền Thọ thấy sức sát thương của viên quan văn cầm đại đao trong đội ngũ Diêm binh thực sự kinh người, quân Minh lại có ám tiễn bắn ra không ngừng, liền vẫy tay kêu người mang một cây cung cứng đến. Gã lắp tên vào cung, ngắm chuẩn Mẫn Văn Kiến, cũng muốn dùng ám tiễn bắn chết tướng lĩnh quân Minh.
Nhóm xạ thủ đứng trên đình thấy trên bãi cát không còn thủ lĩnh giặc Oa để ngắm bắn nữa bèn dần dần chuyển dịch mục tiên lên trên thuyền. Một tên chưởng ban (đội trưởng đứng đầu đám sai nha) quan sát thấy bọn giặc vây quanh hai người trên một con thuyền lớn đậu phía sau cùng, trong đó có một người đang giương cung lắp tên ngắm vào đám quân Diêm binh. Lập tức tên chưởng ban gọi một tên tiểu đội trưởng (dịch trưởng) lại, đổi lấy Bách Biến cung trên tay hắn. Loại cung này không phải là vũ khí trang bị cho quân đội phổ thông mà là một loại lợi khí do Cẩm Y vệ nghiên cứu chế tạo được: loại cung này có thể tùy ý tăng giảm dây cung, điều chỉnh sức mạnh của cung. Đổi lấy Bách Biến cung xong, tên chưởng ban lập tức điều chỉnh cung thành cung tam thạch[12], lắp một mũi tên lông điêu. Sử dụng hết sức lực toàn thân để kéo cung, hắn nhắm chuẩn vào trước ngực của tên đầu lĩnh người Oa đang giương cung kia bắn đi.
Tam thạch cung này rất hao tốn sức lực. Tuy đứng ở trên đình không bị bất kỳ uy hiếp gì nhưng cả hai chục người đều đã trải qua một thời gian dài phải cẩn thận ngắm chuẩn các tên thủ lĩnh người Oa rồi mới bắn tên nên lúc này cả bọn đều đã mệt đến mức tứ chi bải hoải, cả người rã rời. Tên chưởng ban này tuy trời sinh thần lực nhưng mũi tên vừa được bắn ra, cung cũng đã buông rơi xuống đất, cánh tay cũng rã rời.
Thanh đao trong tay của Mẫn Văn Kiến nặng đến bốn mươi cân, khi vung lên thì sức mạnh không phải chỉ có một hai trăm cân nữa. Nếu như triển khai thế đao mượn lực dùng lực thì đở phải tốn nhiều sức, cho nên để không bị bó chân bó tay cũng như để tiện sử dụng đao, lão vừa xông vào đám giặc Oa thì lập tức kéo dãn cự ly với đám Diêm binh thủ hạ của mình, tha hồ vung đao di chuyển chém giết. Cả bộ quan phục sớm đã bị vấy đầy máu tươi.
Phì Tiền Thọ đứng ở đầu thuyền giương cung nhắm tên vào Mẫn Văn Kiến. Nhưng Mẫn Văn Kiến đang xông pha chém giết không ngừng, thỉnh thoảng lại có tên người Oa chạy qua chạy lại chắn trước mắt hắn, cho nên rốt cuộc mũi tên của hắn vẫn còn chưa bắn đi được thì mũi tên của tên chưởng ban đã bắn tới. Vốn được ngắm vào ngực trái của Phì Tiền Thọ, nhưng khi tên rời khỏi dây cung thì hơi bị chấn động nên mũi tên liền bị mất độ chính xác, cắm thẳng vào vai của hắn.
Phì Tiền Thọ đang cảm thấy bả vai không còn sức để giương cung nữa bỗng một luồng lực lớn đẩy lùi hắn lại vài bước, lưng tông thẳng vào cột buồm một tiếng “bùng”. Lúc này hắn mới cảm nhận được một cơn đau thấu tim gan, nhìn lại thì thấy một mũi tên sắc cắm vào vai phải xuyên qua phía sau vai, chỉ còn lại một đoạn lông điêu ở trước ngực.
Phì Tiền Thọ đau đớn la to “Ay da”, tưởng chừng như ngất đi luôn. Trần Đông thấy vậy cũng hãi hùng, hoảng sợ ngồi thụp xuống, vội quát lớn:
- Mau, mau rút quân! Quân Minh đã đề phòng sẵn, lập tức rút binh.
Bọn giặc Oa xung quanh cũng giật mình kinh hãi. Chúng không ngờ khoảng cách xa như vậy mà quân Minh lại có thể bắn tên trúng đích, hơn nữa lực bắn lại uy mãnh bá đạo, có thể xuyên qua cơ thể con người, chứ không còn hời hợt như đám mưa tên lúc ban đầu. Hai tên lâu la vội vàng giơ ốc biển, nằm mọp trên mạn thuyền thổi lên “Tu tu”.
Sớm đã có ý rút lui nên vừa nghe tiếng ốc biển vang lên, bọn giặc Oa trên bờ cảm thấy như được đại xá, lập tức quay người tháo chạy, hộc tốc trèo lên thuyền, hạ buồm, thả mái chèo xuống, vội vội vàng vàng khua chèo trốn chạy.
Hai chục tên giặc Oa đuổi theo bọn vệ quân bỏ chạy khi nãy đã chiến đấu hồi lâu với bọn người Chủng thiên tổng, chém giết đến sức cùng lực kiệt, bị thương lẫn chết chỉ còn lại bảy tám tên, còn Chủng thiên tổng dẫn theo ba tên thương binh vừa chiến vừa lùi. Đến lúc gió truyền tiếng ốc biển thu quân đến, bọn giặc Oa định quay người tháo chạy thì thấy chiến thuyền lớn bên sông đã đi đến giữa sông.
Bây giờ đã là lúc thủy triều xuống, nước đang rút nên thuyền đi khá nhanh, hơn nữa bọn giặc trên thuyền cũng đang dốc hết sức lực để chèo, cho dù bọn chúng có chạy đến bên sông thì cũng không thể đuổi kịp để lên thuyền. Lúc này từ trong trấn lại vang đến tiếng reo hò inh ỏi. Thì ra đám diêm thương lớn trong trấn biết rằng nếu như giặc Oa mà đánh được lên bờ thì những người bị tổn thất lớn nhất chính là bọn họ, nay lẵng lặng quan sát một hồi thì thấy quân Minh có thể chống đỡ được giặc Oa liền dẫn theo gia đinh, người hầu mang côn, gậy, cuốc, xẻng… chạy ra bờ sông trợ chiến.
Tên giặc Oa kiêu dũng nhất kia giết được năm, sáu tên thân quân, trên người cũng bị trúng hai đao. Tuy gã bị thương không nặng nhưng lại không được băng bó nên mất máu quá nhiều, đầu óc sớm đã choáng váng, lúc này vung đao lên giống như vờn múa, không còn thấy cái vẻ uy phong giống như sát tinh khi mới xông lên bờ. Gã bị bọn gia bộc của đám diêm thương vây quanh dùng đòn gánh, cuốc xẻng đồng loạt đánh ngã. Nếu như Dương Lăng không muốn giữ lại vài tên còn sống, cho người đến ngăn lại thì gã đã bị đập chết tươi.
Đầu tiên Dương Lăng dẫn người ra bãi cát xem xét. Ngoại trừ xác chết và thương binh khắp nơi, ở trên bờ còn có hơn bốn mươi tên người Oa bị thuyền giặc bỏ lại, bị tám mươi thanh đao thép kiềm chế, hoàn toàn không còn sức lực để kháng cự.
Dương Lăng nhặt một mũi tên mà quan binh vệ sở đã bắn lên quan sát. Nhận thấy mũi tên đó nhẹ tênh không đầy một lạng, y mới chợt hiểu tại sao những mũi tên này hoàn toàn không thể khiến giặc bị thương. Đám quan binh của vệ sở thường ngày chểnh mảng luyện tập, không kéo nổi cung, không bắn được tên nên để đánh lừa người khác, bọn chúng chỉ còn cách chế loại tên nhẹ tênh này. Tên thì bắn xa được rồi, nhưng lại quá nhẹ nên hoàn toàn không có lực, hơn nữa bên bờ sông lại có gió thổi mạnh, nói là bắn tên thì không bằng nói là thổi xuống, làm gì có sức sát thương cơ chứ?
Coi như đã biết được khả năng chiến đấu của vệ quân Giang Nam, Dương Lăng chỉ còn biết lắc đầu. Y căn dặn thuộc hạ quét dọn chiến trường rồi đích thân dẫn mấy tên thân binh vội vàng đi về phía Chủng Thiên tổng. Lúc này Chủng thiên tổng mũ giáp xô lệch đang đứng ỳ một chỗ giống như đang nằm mơ, bắp tay bị trường thương đâm trúng, cả cánh tay nhuốm máu hồng nhưng tựa như gã không hề có cảm giác gì.
Từ trước đến nay, quan binh ở duyên hải sợ giặc Oa như sợ cọp. Sự sợ hãi đó phát xuất từ tận tâm can, vừa thấy bọn chúng thì thật là hồn bay phách tán, hoàn toàn không còn dũng khí để chiến đấu. Hình ảnh hai trăm tên giặc Oa đuổi hai nghìn quan binh chạy loạn khắp rừng khắp núi giống như sói đuổi đàn dê cũng không phải là cảnh hiếm thấy gì. Hôm nay, nhân số tương đương nhau lại có thể chiến đấu ngang sức với bọn chúng lâu như vậy, còn đích thân giết chết bốn tên giặc Oa, xem ra bọn chúng cũng chẳng phải tài giỏi gì, dũng khí và tự tin của Chủng thiên tổng lập tức tăng cao vùn vụt. Cũng đến lúc này gã mới bực tức nghĩ đến năm trăm tên binh lính khiếp nhược chỉ biết ăn chứ chẳng biết đánh chác gì của mình.
Dương Lăng đi đến trước mặt mấy tên người Oa bị đánh đến rách đầu chảy máu, nhìn chòng chọc vào tên người Oa một đao chém chết binh lính Minh, một mình xông vào trong đội hình của quân Minh, hỏi:
- Có biết nói tiếng Hán không? Thủ lĩnh của các ngươi là ai?
Chú thích:
[1]giặc Oa: (tức giặc lùn)chỉ hải tặc Nhật Bản quấy nhiễu cướp bóc duyên hải TQ thế kỷ 14-16.
[2]Vệ sở: Quân đội triều Minh thực thi biên chế “Chế độ Vệ Sở”, tổ chức quân đội có hai cấp Vệ, Sở. Một Phủ thì thiết lập Sở, nhiều Phủ thì thiết lập Vệ. Vệ thiết lập chỉ huy sứ, thống lĩnh binh sĩ năm nghìn sáu trăm người. Dưới Vệ có Thiên hộ sở (một nghìn sĩ binh), dưới Thiên hộ sở thiết lập Bách hộ sở (một trăm binh sĩ).
[3]Oa Đao: Chỉ một loại đao Nhật bản được sử dụng từ cuối nhà Minh đến nhà Thanh. Loại đao này có ưu thế bổ, chém, công thủ đều được, có thể sử dụng bằng hai tay.
[4]người Oa: chỉ người Nhật Bản.
[5] nha sai(phiên tử): phụ trách truy bắt tội nhân.
[6]Quỷ tử: cũng chỉ người Nhật Bản.
[7]Lã Tống: Chỉ đảo Lữ Tống thuộc quần đảo Philippin. Thời Tống Nguyên, các thương thuyền thường đến đây buôn bán. Thời Minh gọi đảo này là Lã Tống.
[8]Khám hợp tức giấy phép; thời Minh, nhằm chỉ việc nước ngoài đến TQ tiến hành triều cống, giao dịch. Sau khi sơ Minh thực hiện “hải cấm”, chỉ cho phép nước ngoài và triều đình tiến hành triều cống giao dịch theo quy định về địa điểm và thời gian. Thương thuyền của nước ngoài chở cống phẩm và thổ sản của mình đến TQ, sau khi triều đình nhà Minh thu nhận cống phẩm, thu mua thổ sản, họ dùng hình thức “Quốc gia ban tặng” để ban trả các vật phẩm TQ mà các lái thương nước ngoài cần. Thời hạn cống của các nước từ 3 đến 5 năm. Đối với Nhật Bản thì quy định 10 năm. Các thuyền cống nhất định phải có khám hợp do triều đình nhà Minh cấp phát.
[9]Thuyền Phúc: Một loại thuyền biển nổi tiếng trong “tứ đại cổ thuyền” của TQ xưa. Thuyền có đặc điểm: phía đầu nhọn, phần đuôi rộng, hai đầu vểnh lên. Hai bên mạn thuyền hướng ra ngoài, hai bên đều có ván bảo vệ. Đặc biệt đầu thuyền cao, kiên cố, có thể xung kích, thích hợp làm thuyền chiến.
[10]Thuyền Quảng: Một loại thuyền biển nổi tiếng trong “tứ đại cổ thuyền” của TQ xưa. Sản xuất ở Quảng Đông. Đặc điểm cơ bản: thuyền dài, đầu thuyền nhọn, trên rộng dưới hẹp.
[11]Một loại đao thời Đường. Là một trong hai loại đao nổi tiếng thế giới khi ấy cùng với Đao Damascus của Ả rập.
[12]Đơn vị trọng lượng, một thạch bằng 60 kg. Chỉ lực kéo cung, càng nhiều thạch thì càng cần nhiều sức lực.
[13] Thập trưởng: Một loại quân hàm thời cổ. Năm người có lập một ngũ trưởng, hai mươi người lập một thập trưởng, trăm người lập một bách phu trưởng, năm trăm người lập tiểu đô thống, một nghìn người lập đại đô thống, ba nghìn người lập chánh, thiên tướng, năm nghìn người lập chánh, thiên nha tướng, một vạn người lập chính, phó tướng quân.
[14]Lão Diêm Thương: Tên gọi của một vùng đất thuộc Hải Ninh.
Updated 718 Episodes