Chương 6: Câu cá

Mép môi Toàn Phong rỉ ra dòng máu đỏ, vừa rồi đáng lẽ chàng có thể đạp chân từ chỗ này mượn lực nhảy ra xa thêm một quãng xa nữa. Như vậy rương thuốc nổ kia có phát nổ áp lực lên người chàng cũng không đến nỗi nào. Vậy mà giữa chừng lại thấy Tuyết Nguyệt đứng ngơ ngác ở đây, theo bản năng chàng quyết định cứu nàng, ôm nàng vào lòng, dùng cương khí của bản thân che chở cho nàng. Nếu là tự vệ một mình chàng có thể không sao, nhưng đây là hai người, sau khi cái rương phát nổ chàng thấy huyết khí có phần chấn động, lại không thể thu về nếu không đất đá từ vụ nổ bắn ra cũng giết chết người. Chờ đến khi đất đá không rơi nữa, chàng thu nội lực lại thì nội thương đã trầm trọng.

Tuyết Nguyệt vừa được cứu một mạng, người cứu mình dù là thâm thù đại hận nàng cũng cảm thấy lo lắng. Vừa rồi khi tay trong tay, mặt gần mặt, lần đầu nhìn kỹ gương mặt đó nàng có cảm giác rất lạ, nàng không muốn con người đó vì bất kỳ cái gì mà chết, trừ khi tự tay nàng giết chết. Toàn Phong không trả lời, chàng vẫn đang gục đầu thở dốc, tóc lòa xòa trước mặt. Tuyết Nguyệt ngồi xổm trước mặt chàng, vén mớ tóc Toàn Phong lên, nàng lo lắng cao giọng hỏi:

- Ngươi sao rồi, trả lời ta đi.

Toàn Phong sau lúc hít thở điều tức, ngước mắt nhìn vẻ mặt hoảng loạn của Tuyết Nguyệt. Tuyết Nguyệt la lên:

- Ngươi bị thương rồi à, có nặng lắm không?

- Hả?

Nàng nói, chàng chỉ thấy miệng nàng cử động chứ không nghe được lời nàng nên bất giác nghệch mặt ra. Tuyết Nguyệt run giọng:

- Không phải vụ nổ vừa rồi lớn quá, ta bịt tai được còn ngươi tay bận ôm ta không bịt tai được nên bị điếc rồi không?

Toàn Phong vẫn nhìn nàng, chớp chớp mắt không hiểu. Đúng hơn là chàng thấy lạ, người con gái trước đây mấy hôm như con hổ dữ muốn lấy mạng mình, sau đó băng lãnh, bây giờ lại nhìn chàng như muốn khóc, nét mặt lo lắng. Nữ nhân biến đổi nhanh vậy sao, chàng thật tình không hiểu.

Như chợt nhớ ra điều gì, Toàn Phong đưa tay lấy hai mảnh vải bịt tai xuống, hỏi:

- Nãy giờ cô nương nói gì?

Tuyết Nguyệt tỏ ra giận dỗi, quay mặt đi:

- Thì ra ngươi chuẩn bị trước, làm ta cứ tưởng ngươi bị nổ điếc tai, còn nghĩ là do ta hại.

Toàn Phong bật cười, ý nghĩ nữ nhân là vậy sao? Đúng là lạ đời, mới hôm qua còn hùng hổ nếu ngươi không chết thì ta chết, hôm nay lại lo kẻ thù bị điếc, vậy không phải tốt cho kế hoạch phục thù sao. Đúng là lạ!

Toàn Phong vừa cười cảm thấy tức ngực, ho khan một tiếng, nhổ ra ngụm máu. Tuyết Nguyệt quay lại, vẻ mặt lại trở về nét lo lắng:

- Ngươi bị nội thương rồi.

Toàn Phong thở phì một tiếng, đưa tay lau vết máu:

- Không chết được đâu. Tuy không yếu như hôm trúng độc nhưng nếu cô nương ra tay sẽ được một phần cơ hội hạ được ta.

- Hôm nay ta không muốn giết ngươi, vì…

Toàn Phong tò mò hỏi:

- Vì sao?

- Vì hôm nay, ngươi bảo vệ ta nên mới bị thương, ta không thể giết ngươi. Đó là quy tắc của ta…

- Vậy à?

- Bây giờ ngươi về được không, có cần ta dìu không?

Toàn Phong thành thật đáp:

- Bây giờ thì không đi được, nhưng vận công liệu thương một lúc sẽ không sao.

- Vậy ngươi liệu thương đi, ta ngồi đây canh chừng cho ngươi.

Toàn Phong nhếch môi, thay đổi tư thế ngồi tự mình vận công trị thương. Một lúc sau chàng mở mắt, Tuyết Nguyệt quả nhiên ngồi kế bên canh chừng cho chàng. Công việc này có vẻ nàng làm đã quen rồi nên không lấy làm khó chịu cho lắm. Thấy Toàn Phong đứng lên nàng cũng đứng lên, lo lắng hỏi:

- Ngươi về nổi không, có cần ta dìu không?

Toàn Phong chỉ nhìn cô một cái rồi quay đi không nói lời nào, cả hai cứ thế một trước một sau trở về sơn trại, không ai nói với ai điều gì nữa.

Phần những người khác đi rồi, một lúc sau nghe tiếng nổ to tướng không khỏi thấy lo lắng trong lòng. Mãi đến khi Toàn Phong quay lại họ mới thở phào nhẹ nhõm. Lão tứ là người lo lắng nhất, vừa thấy Toàn Phong đã sấn đến hỏi ngay:

- Lão đại không sao chứ?

Toàn Phong mỉm cười:

- Ta thì có việc gì. Có điều con đường thì bị đào một lỗ rất to, đêm nay lão nhị dẫn theo hai trăm người ra đó san bằng lại cho dễ đi.

Lão nhị gật đầu nhận lệnh. Lão tam tò mò hỏi:

- Đại ca, những rương này sẽ làm gì? Chắc không phải như lần trước…

Toàn Phong không chờ lão tam nói hết, chen ngang:

- Giống như lần trước, mười xe được mang đến phân phát cho những người vừa bị lũ lụt do vỡ đê Bảo Định Giang. Hai xe đưa đến hai huyện nghèo ở phía tây trại.

Nghe xong ai nấy đều xịu mặt. Toàn Phong hừ giọng:

- Hai xe còn lại đủ cho các ngươi thoải mái nửa năm rồi còn chưa chịu nữa sao. Ai có ý kiến gì?

- Không có gì.

- Sáng ngày mốt, lão tứ và lão tam mỗi người dẫn theo năm mươi người đem hai rương đến hai huyện Tràm và Mộc ở phía tây. Còn lão nhị dẫn theo hai trăm người đến mang mười rương đến vùng người dân vừa bị lũ. Khi đi phải cải trang cho binh lính không nhận ra. Những người còn lại chia nhau ra từng nhóm hai mươi người vào hai ngọn núi phía tây tìm xem chỗ nào ở được.

Có người kinh ngạc hỏi:

- Tìm chỗ ở được để làm gì hả lão đại?

Toàn Phong hừ giọng:

- Để dời trại chứ còn làm gì nữa?

_o0o_

Ngay buổi chiều ngày Toàn Phong tổ chức cướp mười mấy xe cống phẩm từ phía Nam lên hoàng cung, nói đúng hơn là một canh giờ sau đó, sau giờ cơm trưa của đức vua. Tân hoàng đế đến Ngự Uyển thăm Thái thượng hoàng.

Sau khi truyền vương vị, lão hoàng đế lui về Biệt Cung cạnh bên Ngự Uyển ngày ngày niệm kinh, thưởng hoa đợi chờ ngày Phật rước lão về Tây thiên. Nói vậy thôi, còn được hay không là chuyện khác.

Giữa Ngự Uyển, một người mặc Long bào màu vàng óng ánh ngồi buông câu vào “vũng” nước quanh hòn giả sơn. Bên cạnh là một lão nhân mặc bộ cẩm bào màu tía. Nhàn nhã, đó là hai từ thích hợp miêu tả bộ dáng hai con người ngồi dưới bóng cây đại thụ trên hai chiếc ghế gỗ trầm cầu kì trong buổi trưa hôm ấy.

- Mỗi lần con đến tìm ta cứ y như rằng hoàng huynh con gây chuyện. Hôm nay lại xảy ra chuyện gì nữa hay sao?

Người áo tía hỏi, lão chính là lão Thái thượng hoàng. Người mặc áo Long bào cung kính trong lời nói nhưng đôi mày vẫn đang chau tít lại:

- Hồi bẩm phụ hoàng, huynh ấy lại vừa chặn cướp mười lăm xe cống phẩm của Quyển nam đang trên đường đưa về triều đình.

- Sau đó hắn làm gì?

- Mười xe được mang đến phân phát cho những người vừa bị lũ lụt do vỡ đê Bảo Định Giang. Hai xe đưa đến hai huyện nghèo ở phía tây trại. Còn lại y giữ.

- À.

Kế hoạch đó Toàn Phong vừa mới nói ra, dù tin tức nhanh đến mấy thì khoảng cách đó đến kinh thành cũng không thể chỉ sau một canh giờ, vậy mà đức vua lại biết, vì sao vậy? Có một bí mật cực kỳ lớn mà ngoài mẫu phi và phụ hoàng của họ ra không ai biết, đó chính là Kim Long nay là Toàn Phong và tân hoàng đế Thanh Long là anh em song sinh, chẳng những diện mạo của họ giống nhau mà họ còn có cùng một khả năng vô cùng đặc biệt, khả năng tâm ý tương thông.

Thái thượng hoàng gật gù một lúc rồi hỏi lại:

- Hoàng thượng quyết định sao?

- Kể từ ngày huynh ấy rời khỏi hoàng cung, hơn hai năm, ba lần cướp cống phẩm, tội đó không tha thứ được, phải thảo phạt.

- Bao nhiêu quân?

- Một vạn.

Như chợt nhớ ra điều gì Thái thượng hoàng bất ngờ hỏi:

- Ờ… cá đã cắn câu chưa?

Đức vua lắc đầu, lời lẽ bỗng trở nên thập phần cung kính:

- Hồi bẩm phụ hoàng, bây giờ chưa phải lúc cá cắn câu.

- Không sao, ta vẫn có thể chờ.

Nhìn dáng vẻ có lẽ người ta cho rằng đức vua đang câu cá thật. Ừ thì, chàng buông câu thật, cần câu có lưỡi câu, lưỡi câu nằm ngập trong nước hồ. Thế nhưng nước hồ trong vắt và ít ỏi đó nếu nhìn gần người ta có thể nhận ra trong đó không có cá. Và mồi câu mà đức vua mắc vào lưỡi câu là hai chiếc lá, một vàng, một xanh. Hồ vốn không có cá, đức vua lại đến câu, vậy đến lúc nào cá cắn câu? Là lúc đức vua cho người thả cá vào hồ rồi câu hay cá ở đây với họ là điều bí mật nào đó? Điều đó chỉ có người trong cuộc là biết rõ!

Vì họ là hoàng thất, việc làm của họ không ai dám luận bàn, chứ nếu là dân thường hẳn người ta nghĩ hai người họ bị điên. Tuy nhiên với bộ dạng và mấy lời đối đáp vừa rồi nếu đệ thái giám trong cung nghe được, chúng cũng rất lấy làm thắc mắc não của cha con đức vua mình đang hầu hạ có bình thường hay không. Nhưng may thay khi cùng Thái thượng hoàng đến chỗ này nói chuyện đức vua lệnh cho tất cả đứng chờ mình ở ngoài xa. Chuyện họ bàn là chuyện hoàn toàn cơ mật!

_o0o_

Ra lệnh cho lão nhị mang hai trăm người đi là vậy, ngay sau khi lão nhị và mọi người xuất phát Toàn Phong cũng theo sau. Phía sau chàng như bao lần vẫn là bóng người quen thuộc, Tuyết Nguyệt. Nàng đi cách chàng một quãng, không quá gần, không quá xa.

Bảo Định Giang, dòng sông rộng lớn, chảy từ phía Tây Đại Quyển quốc sang đông rồi đổ ra biển. Vì lượng nước thường chảy mạnh vào mùa hạ, hạ nóng nên làm tan chảy băng trên ngọn núi đầu nguồn của con sông nên thường gây lũ lụt do vỡ đê. Hai năm nay đều như vậy. Dòng nước chảy siết, làm vỡ cả bờ đê tràn vào đồng ruộng, cuốn đi không ít nhà cửa, tiền bạc, trong đó có cả mạng người.

Trước đây khoảng năm mươi năm, những chuyện như vậy không thường xảy ra vì lúc ấy ông trời còn rất thương chúng dân, mưa thuận gió hòa, hạ nắng không gay gắt, thu mưa nhiều. Nước sông chỉ dâng cao vào mùa thu nhưng cũng không quá cao, lúc đó Bảo Định giang chưa có đê như bây giờ. Thu, mưa trên toàn lãnh thổ Đại Quyển quốc, nước mưa có thể ngập lên nhà vài gang tay nhưng không cuốn trôi mọi thứ. Nó còn mang lại nhiều thứ lợi như có thể câu cá trong nhà, khi một nửa nước rút vào trong đất, một nửa chảy vào Bảo Định giang thì mọi chuyện trở về như cũ, đất trên cạn bồi thêm phù sa để gieo trồng.

Ngày nay người ta tha hồ chặt cây dựng cái này, cất cái kia mà không hề biết nó để lại khoảng đất trống vô cùng tai hại. Sức nóng mặt trời chiếu lên đất, đất hắt vào không khí sẽ làm sức nóng vốn có của tự nhiên tăng lên nhanh chóng, băng tan và gây lũ. Cũng chính vì cây bị chặt mà không ai thèm trồng lại nên khi lũ tràn lan cũng chẳng có cây nào đứng ra ngăn bớt chỉ còn lại những ngôi nhà bằng gỗ, bằng đất đứng ra hứng lũ. Thảm hoạ do mình tự làm tự chịu nhưng con người không biết mình làm sai, chỉ thán ông trời thật bất công.

Bảo Định giang những ngày ấy dù ngày mưa như trút mực nước sông vẫn thấp hơn trên bờ nên nó là nơi rút nước, vậy mà giờ đây ngày hạ nước sông lại dâng cao. Nếu không có con đê dày kia thì nước tha hồ tràn lên bờ cuốn trôi tất cả. Một tháng trước, đê Bảo Định giang vỡ một quãng không dài nhưng đã làm cho nước tràn ngập cả một vùng tả ngạn, người dân khốn khổ mất nhà, mất tiền bạc, còn chưa kể việc đắp lại đoạn đê vỡ đã làm chết không biết bao nhiêu người.

Khi Toàn Phong đến, khung cảnh chàng nhìn thấy chính là những vũng sình lầy chưa khô nước, đã một tháng mà nước trên bờ vẫn chưa được cái nắng hè hong khô đủ biết số nước tràn vào nhiều đến cỡ nào. Những mái trại xêu vẹo tạm bợ và những con người thất tha thất thiểu kiếm cái ăn đã xơ xác như những thây ma, rách rưới và còm cõi. Khi thấy có người đến mắt họ ai cũng sáng lên rồi tất cả cùng lúc vây lấy người của Vọng Nguyệt trại. Họ còn nhớ đây là cứu tinh của mình năm trước, cũng những ngày lũ, người thiếu niên tên Toàn Phong là trại chủ Vọng Nguyệt trại đã đến, cho họ cái ăn trong lúc đói, giúp mọi người cất nhà lại, giúp họ đắp bờ đê thêm dày thêm cao. Lần này họ gặp nạn, chàng ta lại đến, hẳn chàng sẽ lại giúp mọi người.

Những con người khốn khổ, đói khát đã lâu nhìn những bát cơm trắng thèm thuồng như người nghèo lâu ngày nhìn thấy châu báu vậy, đinh ninh như không tin, nửa muốn vồ lấy, nửa lo sợ kia là ảo giác. Sau khi nếm được mùi vị của cơm, ai cũng vui mừng ra mặt, phấn chấn tinh thần. Hai trăm người chia nhau phân phát cơm gạo, tiền bạc, lụa và thuốc men cho hơn năm trăm dặm dân bị Bảo Định giang làm hại. Người có cái ăn, không bệnh thì có sức liền cùng nhau xây cất lại nhà cửa. Những căn nhà nhanh chóng được dựng lên trong sự trợ giúp của người từ Vọng Nguyệt trại.

Đến tả ngạn Bảo Định giang, người ta không còn thấy một Toàn Phong lạnh lùng cô ngạo, nghiêm lệnh như sơn, đam mê rượu thịt. Chàng sắn tay áo giúp người dân tất cả những việc gì mình có thể, thậm chí chàng cùng lão nhị đỡ đẻ cho người ta. Vì lão nhị biết chút y lý, chồng thiếu phụ và cả bà đỡ trong làng đều chết trong trận lũ vừa rồi. Sẽ chẳng ai nghĩ rằng đường đường nhị hoàng tử trong cung có ngày ôm trong tay thau máu, mớ nhau và rốn thừa của đứa trẻ mới chào đời đi đổ.

Nhưng Tuyết Nguyệt thấy, nàng thấy chàng làm việc đó và nếu có người đánh chết nàng, nàng không tin chàng chính là hoàng tử trong cung. Hôm ấy nàng giúp phần nấu nước, lão nhị thì sinh con cho thai phụ, Toàn Phong như một tên sai vặt. Cuối cùng đứa bé trai kháu khỉnh chào đời trong tiếng cười vui của mọi người. Có lẽ rất lâu sau này, kí ức vui vẻ đó sẽ đeo mãi mọi người, đến chết khó có thể quên.